Đánh giá nhu cầu đào tạo ngành Quản lý xây dựng - trình độ đại học

26 tháng 6, 2023
Nghiên cứu này nhằm đánh giá được nhu cầu nhân lực và triển vọng đào tạo ngành Quản lý xây dựng (QLXD) trong bối cảnh xây dựng và phát triển của ngành xây dựng tại Việt Nam trong thời gian tới.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

      Theo dự báo của BMI (Business Monitor International), ngành xây dựng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng trên 10% trong giai đoạn đến 2030. Cũng theo báo cáo, khi ngành xây dựng phát triển theo cấp số nhân, thì nhân lực của ngành QLXD trở thành một trong những ngành nghề có nhu cầu cao nhất.

     Ở Việt Nam, tăng trưởng bình quân của ngành xây dựng trong những năm gần đây luôn đạt trên 12%. Đội ngũ nhân lực qua đào tạo toàn ngành xây dựng chỉ chiếm 11,8%. Theo quy hoạch của Bộ Xây dựng, đến năm 2030, cả nước cần lượng nhân lực hoạt động trong ngành xây dựng khoảng 12 triệu người.

     Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những công nghệ trong QLXD mới như BIM, công nghệ thực tế tăng cường AR, thậm chí gần đây là sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang góp phần giải quyết các thách thức, tạo những thay đổi mang tính cách mạng cho ngành xây dựng, quy trình công nghệ mới trong xây dựng sẽ tạo ra xu hướng ứng dụng công nghệ trong QLXD. Các doanh nghiệp muốn duy trì được năng lực cạnh tranh, bứt phá vươn lên đều không bỏ qua việc ứng dụng công nghệ QLXD.

     Trong bối cảnh hiện nay, đội ngũ QLXD phải tinh thông công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật mới trong xây dựng, nếu không, sẽ trở thành vật cản. Trong khi cả nước hiện nay mới có khoảng 15 cơ sở đạo tạo ngành QLXD. Số liệu khảo sát cũng cho thấy trên 90% kỹ sư trong các doanh nghiệp xây dựng có công việc liên quan đến QLXD, 68% số người được khảo sát cho biết nhân lực đúng ngành QLXD trong các doanh nghiệp xây dựng đang thiếu, về nhu cầu đội ngũ QLXD trong tương lai, trên 80% số phiếu khảo đánh giá có nhu cầu và nhu cầu lớn. Đây cũng chính là nhu cầu của xã hội với chuyên ngành này trong thực tế.

III. MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1.Mục tiêu

Mục tiêu tổng quát

     Đánh giá được nhu cầu nhân lực và triển vọng đào tạo ngành QLXD ở trình độ Đại học làm cơ sở cho việc xây dựng đề án mở ngành đào tạo tại Trường Đại học Lâm nghiệp.

Mục tiêu cụ thể

     - Phân tích được thực trạng nhu cầu đào tạo ngành QLXD;

     - Phân tích được xu hướng nhu cầu đào tạo ngành QLXD.

     - Nghiên cứu điều kiện mở ngành QLXD tại trường ĐH Lâm nghiệp

2. Nội dung nghiên cứu

1.1. Tổng quan về ngành QLXD;

1.2. Đánh giá nhu cầu về nguồn nhân lực trình độ đại học ngành QLXD;

1.3. Xu hướng nhu cầu đào tạo ngành QLXD.

3. Phương pháp nghiên cứu

     - Phương pháp nghiên cứu tài liệu:

     - Phương pháp khảo sát – phân tích:

     - Phương pháp chuyên gia: tham vấn từ các nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan/doanh nghiệp xây dựng.

IV. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

1. Tổng quan vấn đề nghiên cứu

1.1. Khái niệm QLXD

     QLXD – (Construction Management) là việc tổ chức thực hiện và quản lý toàn bộ các công việc của dự án xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng từ: lập dự án đầu tư, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng lập dự toán công trình, lựa chọn nhà thầu, thi công xây dựng, giám sát thi công, nghiệm thu khối lượng, nghiệm thu công trình, thanh quyết toán, vận hành công trình, ... sao cho quá trình thực hiện các công việc này đảm bảo: an toàn lao động, vệ sinh môi trường, đạt yêu cầu về chất lượng, tiến độ và tiết kiệm chi phí.

     Các kỹ sư ngành QLXD sẽ trực tiếp thực hiện những nhiệm vụ hoặc thực hành tư vấn về lập và đánh giá dự án, lập hồ sơ thiết kế tổ chức thi công, tổ chức các hoạt động trên từng giai đoạn chuẩn bị và thực hiện dự án như đấu thầu, triển khai thiết kế, thi công, bàn giao nghiệm thu và thanh quyết toán công trình.

1.2. Nhu cầu nguồn nhân lực QLXD trên thế giới

     Theo dự báo của BMI (Business Monitor International) [10], ngành xây dựng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng trên 10% trong giai đoạn đến 2030.

     Theo dự báo này khi ngành xây dựng phát triển theo cấp số nhân, thì nhân lực của ngành QLXD trở thành một trong những ngành nghề có nhu cầu cao nhất. Do đó có quy mô đào tạo của ngành ngày càng tăng dần đáp ứng nhu cầu cao về nhân lực. Các trường đại học trên thế giới đã và đang đào tạo ngành QLXD rộng rãi, điều này chứng tỏ triển vọng ngành đang được phát triển với tầm nhìn xa, dài hạn

     Ở Mỹ [16.1], ngành xây dựng dự kiến sẽ tạo ra 864.700 việc làm mới vào năm 2026. Việc làm ước tính tăng 12% từ năm 2016 đến 2026, nhanh hơn mức trung bình của tất cả các ngành nghề, tăng từ 6,71 triệu việc làm lên 7,58 triệu việc làm. Hiện có khoảng trên 50 trường Đại học đào tạo liên quan đến QLXD, các trường top đầu như Trường Đại học Vanderbilt, Eastern Kentucky, Northern Kentucky, Minnesota State, Mankato, Virginia Tech; Colorado, Florida, Louisiana State, ...  Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ (BLS) cũng ước tính rằng đội ngũ nhân sự làm việc trong lĩnh vực QLXD và các lĩnh vực liên quan sẽ tăng hàng năm, chủ yếu là do nhu cầu cải thiện cơ sở hạ tầng quốc gia, cũng như tăng trưởng dân số và doanh nghiệp.

     Tại Australia [16.7-16.10] ngành QLXD được đào tạo tại nhiều trường đại học như Victoria, Adelaide, Newcastle, South Australia, Deakin, …  với mục tiêu phát triển sự hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực kinh doanh xây dựng, từ kỹ thuật, công nghệ xây dựng đến kinh tế, luật pháp liên quan đến lĩnh vực xây dựng. Các kỹ sư, cử nhân QLXD được trang bị các kỹ năng sẵn sàng cho thị trường để QLXD, phát triển bất động sản, tự tin làm việc trong các dự án từ quy mô nhỏ đến lớn.

     Tại Đức [16] là một trong số các nước có nền kinh tế phát triển mạnh hàng đầu ở châu Âu, có đào tạo ngành QLXD phổ biến tại các trường đại học nổi tiếng như Berlin, Darmstadt, Braunschweig, … Chương trình đào tạo đa dạng cho phép người học thích ứng nhanh, đưa đổi mới vào thực tiễn có thể làm chủ cả về kỹ thuật và kinh tế dự án.

      Tại Anh, Canada, ... [16], nhiều trường đại học có chương trình đào tạo ngành quản lý dự án xây dựng đều trang bị khối kiến thức và kỹ năng để người học có khả năng trong các lĩnh vực công nghệ, luật pháp, chi phí và hiệu quả trong xây dựng, khuyến khích người học phát triển sự đổi mới và sáng tạo cần thiết để giải quyết các vấn đề phức tạp đối mặt với ngành công nghiệp xây dựng hiện đại.

     Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và có sức ảnh hưởng rất lớn tới mọi hoạt động trong đó có ngành xây dựng nói chung. Nắm bắt và ứng dụng công nghệ mới trong ngành xây dựng là nhu cầu cấp thiết đối với tất cả doanh nghiệp. Một số công nghệ đang bắt đầu đưa vào ứng dụng như công nghệ BIM, công nghệ AR&VR, kể cả ứng dụng Big Data, trí tuệ nhân tạo AI trong xây dựng công trình, ...

1.3. Nhu cầu nguồn nhân lực QLXD ở Việt Nam
1.3.1. Các văn kiện của Nhà nước liên quan lĩnh vực QLXD

     Theo sự báo, thị trường xây dựng Việt Nam khoảng 60 tỷ USD [3], do đó lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng là một lĩnh vực được Đảng và Nhà Nước có rất nhiều chính sách khuyến khích, ưu tiên phát triển vì đây là động lực để phát triển kinh tế xã hội. Đã có nhiều văn kiện đối với lĩnh vực xây dựng như: Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 148/NQ-CP của Chính phủ; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp Hành Trung ương Đảng khóa XII; Nghị quyết 26/NQ-CP của Chính phủ; Trong lĩnh vực quản lý quy hoạch, kiến trúc, Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai lập quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1266/QĐ-TTg để phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050

     Trong bối cảnh toàn cầu hóa và tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, lĩnh vực xây dựng nói chung và ngành QLXD nói riêng là một trong những ngành quan trọng, đào tạo các kỹ sư phát triển các dự án cơ sở hạ tầng làm cơ sở phục vụ và góp phần đưa đất nước phát triển, nhanh chóng hội nhập vào kinh tế -văn hóa –xã hội toàn cầu.

1.3.2. Nhu cầu nhân lực ngành QLXD ở Việt Nam

     Khi nói đến sự phát triển của Việt Nam trong những năm gần đây không thể không đề cập đến sự đóng góp của ngành xây dựng. Điều này thể hiện qua việc tăng trưởng bình quân của ngành xây dựng trong những năm gần đây luôn đạt trên 12%. Theo thống kê được công bố năm 2019 của Tổng hội Xây dựng Việt Nam [9-11] hàng năm Việt Nam giành tới 30% - 40% GDP của cả nước cho đầu tư xây dựng. Theo quy hoạch của Bộ Xây dựng, mỗi năm, nhu cầu nhân lực ngành xây dựng tăng thêm 400.000 - 500.000 người, đến năm 2030 sẽ cần tới khoảng 12 triệu người (tức là trong 7 năm tới, chúng ta cần gần gấp đôi nhân lực xây dựng hiện nay).

      Điều này cho thấy, nhu cầu nhân lực ngành xây dựng còn rất lớn. Đặc biệt là nhu cầu nhân lực ngành QLXD, một ngành học đặc thù của nhóm ngành xây dựng. Trong khi đó, ngành QLXD chỉ mới được đào tạo ở Việt Nam khoảng dưới 10 năm gần đây với số lượng tương đối ít. Và khác với ngành Kỹ thuật xây dựng đã được đào tạo từ rất lâu ở nước ta, ngành QLXD là một ngành còn rất mới và mới chỉ được đào tạo ở một số trường đại học kỹ thuật liên quan lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng.

     Như vậy, từ dữ liệu nêu trên, có thể dự báo: Cơ hội việc làm trong ngành xây dựng trong thời gian tới là rất lớn, ở tất cả các vị trí khác nhau, từ lao động phổ thông đến vị trí đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, đào tạo chuyên nghiệp,… trong đó có nguồn nhân lực QLXD.

1.3.3. Yêu cầu Kỹ sư QLXD

     Các kỹ sư ngành QLXD sẽ trực tiếp thực hiện những nhiệm vụ hoặc thực hành tư vấn về lập và đánh giá dự án, lập hồ sơ thiết kế tổ chức thi công, tổ chức các hoạt động trên từng giai đoạn chuẩn bị và thực hiện dự án như đấu thầu, triển khai thiết kế, thi công, bàn giao nghiệm thu và thanh quyết toán công trình, vận hành, bảo trì công trình, ....

1.4. Thực trạng nhu cầu đào tạo bậc đại học ngành QLXD
1.4.1. Nhu cầu của thị trường hiện nay

     Qua số liệu phân tích cơ cấu nhân lực của một số doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng như Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, công ty CP xây dựng và trang trí nội thất Việt Nhật [12-14] cho thấy, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực xây dựng có trình độ cao từ đại học trở lên là rất lớn, đội ngũ Kỹ sư xây dựng có thể chiếm tới 30% nhân lực toàn doanh nghiệp.

1.4.2. Thực trạng các cơ sở đào tạo ngành QLXD ở Việt Nam

     Qua thống kê cho thấy, ở Việt Nam chưa có nhiều trường đào tạo về ngành QLXD. Chỉ tiêu tuyển sinh và điểm trúng tuyển ngành QLXD bậc đại học của một số trường trong 4 năm gần đây đều tăng dần trung bình 23% từ 2019 đến 2022, đặc biệt chỉ tiêu QLXD tại 4 trường ĐH được khảo sát năm 2022 tăng khoảng 40% so với năm 2012  [15]. Từ những thông tin này cho thấy nhu cầu xã hội và nhu cầu đào tạo của ngành QLXD là có triển vọng.

2. Kết quả khảo sát, phân tích đánh giá nhu cầu về nguồn nhân lực trình độ đại học ngành QLXD
2.1. Số phiếu khảo sát các nhóm thu được như sau:

1) Các nhà tuyển dụng, các đơn vị sử dụng lao động (gọi tắt là Doanh nghiệp, DN): 50 phiếu, trong đó có 35 đơn vị là các Tổng công ty, công ty, doanh nghiệp hoạt động liên quan tới lĩnh vực xây dựng, chiếm 70,0%; 15 đơn vị là các đơn vị hành chính sự nghiệp, chiếm 30%.

2) Cựu sinh viên, SV, Kỹ sư các ngành liên quan ngành KTXD, CNPTNT đào tạo tại Trường ĐH Lâm nghiệp và các trường liên quan (gọi tắt là CSV): 105 phiếu.

3) Giảng viên, chuyên gia đang giảng dạy công tác liên quan tới lĩnh vực xây dựng tại một số trường đại học (gọi tắt là CG): 21 phiếu.

2.2. Một số kết quả khảo sát chính như sau:

2.2.1. Tình hình sử dụng đội ngũ có liên quan tới QLXD VN  hiện nay

     Có 56% số người khảo sát cho biết đội ngũ có liên quan tới quản lý xây dựng tại doanh nghiệp được sử dụng nhiều, gần 40% số người khảo sát cho biết đội ngũ có liên quan tới quản lý xây dựng tại doanh nghiệp có được sử dụng. Về tỉ lệ người làm công việc liên quan tới Quản lý xây dựng tại các DN, trên 50% số người làm công việc liên quan tới QLXD ở 32% số doanh nghiệp được khảo sát; gần 40% số doanh nghiệp được khảo sát cho rằng số người làm công việc liên quan tới QLXD từ 25%-50%. Số DN còn lại cho rằng số người làm công việc liên quan tới QLXD dưới 25%.

     Nhận định về nhu cầu nhân lực QLXD hiện nay, 68% khối DN được khảo sát cho rằng đang rất thiếu, trong khi chỉ 32,6% cho rằng đáp ứng đủ nhu cầu. Kết quả khảo sát đối với đội ngũ chuyên gia cũng khá tương đồng, khi có 71,4% cho rằng nhân lực QLXD đang có nhu cầu, 19% phiếu khảo sát cho kết quả đáp ứng đủ nhu cầu. Số liệu khảo sát từ DN và đội ngũ CG cho thấy nhân lực QLXD hiện tại đang có nhu cầu lớn

2.2.2. Nhu cầu đội ngũ QLXD trong tương lai

     Đánh giá về nhu cầu nhân lực đội ngũ QLXD trong tương lai, cả DN, CG  và SV-CSV đều cho rằng sẽ có nhu cầu và nhu cầu lớn, lần lượt trên 80% và trên 90%. Trong đó có khoảng 20% mỗi nhóm đánh giá là có nhu cầu lớn.

2.2.3. Sự cần thiết đào tạo đội ngũ QLXD

     Kết quả khảo sát từ DN cho thấy 96% là cần thiết đào tạo đội ngũ QLXD để làm việc chuyên nghiệp, trong đó 28% cho rằng rất cần thiết. Trong khi hơn 100% đội ngũ CG cho rằng việc đào tạo đội ngũ QLXD là rất cần thiết và cần thiết, trong đó cũng có hơn 28% cho rằng rất cần thiết.

2.2.4. Mức độ quan tâm và mong muốn tìm hiểu ngành QLXD của SV-CSV

     Có 90% số lượng được khảo sát quan tâm tới ngành QLXD, và có tới trên 80% mong muốn sẽ tìm hiểu về ngành này.

2.2.4. Sự cần thiết đào tạo nguồn nhân lực QLXD

     100% số người được khảo sát cho rằng việc đào tạo đội ngũ kỹ sư, cử nhân QLXD là cần thiết, trong đó 29% cho rằng rất cần thiết. Đối với kỹ sư QLXD, ngoài kiến thức chuyên môn về kỹ thuật xây dựng thì các kiến thức về kinh tế xây dựng, quản lý và đánh giá dự án cũng rất quan trọng để tham gia quản lý dự án hiệu quả hơn.

2.2.5. Nguyên nhân sự cần thiết đào tạo ngành QLXD

     Có rất nhiều nguyên nhân cho sự cần thiết đào tạo ngành quản lý xây dựng. Trong đó nổi bật lên là do cơ quan/doanh nghiệp xây dựng còn thiếu đội ngũ được đào tạo bài bản về Quản lý xây dựng 32%, tiếp theo là do yêu cầu của hội nhập, nhu cầu về trình độ của lao động ngành Quản lý xây dựng cần được nâng cao 28%, có tính chuyên nghiệp. Bên cạnh đó một số nguyên nhân khác cũng được chỉ ra như thực tê dễ xin được việc làm do nhu cầu nhân lực ngành Quản lý xây dựng hiện nay và tương lai là rất lớn và có thu nhập tốt 18%, các cơ sở đào tạo về kỹ sư/cử nhân Quản lý xây dựng còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành xây dựng 11%, thậm chí chưa có nhiều người học biết về ngành đào tạo và môi trường làm việc liên quan đến Quản lý xây dựng.

2.2.6. Đào tạo tại cơ quan công tác hiện nay

     Công tác đào tạo ngành này tại các cơ quan, các trường và viện nghiên cứu hiện chưa nhiều. Có một số đơn vị đang lên kế hoạch đào tạo trong tương lai.

2.2.7. Kỹ năng cần thiết với kỹ sư QLXD

     Đại đa số khảo sát đều đánh giá cao việc các kỹ sư QLXD cần phải có các kỹ năng thành thạo về bản vẽ; kỹ năng lập, bóc tách hồ sơ dạ án xây dựng, thành thạo tin học chuyên ngành, kỹ năng làm việc nhóm.

2.2.8. Số lượng các cơ sở đào tạo ngành QLXD ở nước ta hiện nay

     Qua khảo sát, hiện các trường đại học đào tạo ngành QLXD ở nước ta là không nhiều, chủ yếu tập trung tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

2.2.9. Kết quả khảo sát các CG về kế hoạch của cơ quan đang hoặc có kế hoạch mở chương trình đào tạo về Quản lý xây dựng hoặc liên quan tới Quản lý xây dựng

     Trên 60% phiếu khảo sát cho rằng đơn vị sẽ có kế hoạch mở chương trình đào tạo về Quản lý xây dựng hoặc liên quan tới Quản lý xây dựng.

3. Xu hướng nhu cầu đào tạo đại học ngành QLXD.
3.1. Xu hướng ứng dụng công nghệ trong QLXD    

     Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo AI đang diễn ra mạnh mẽ và có sức ảnh hưởng rất lớn tới mọi hoạt động của đời sống xã hội trong đó có ngành xây dựng, quy trình công nghệ mới trong xây dựng sẽ tạo ra xu hướng ứng dụng công nghệ trong QLXD.

      Việc khuyến khích áp dụng công nghệ mới, chuyển đổi số ngành xây dựng nhằm nâng cao chất lượng thiết kế, thi công, xây lắp, giảm chi phí, nâng cao năng suất chất lượng.

     Các doanh nghiệp muốn duy trì được năng lực cạnh tranh, bứt phá vươn lên đều không bỏ qua việc ứng dụng công nghệ QLXD. Những công nghệ trong QLXD mới như BIM, công nghệ thực tế tăng cường AR, thậm chí gần đây là sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang góp phần giải quyết các thách thức, tạo những thay đổi mang tính cách mạng cho ngành xây dựng. Các công nghệ này sẽ tăng cường hiệu quả năng suất, cải thiện an toàn lao động, cải thiện chất lượng công trình, quản lý tài nguyên thông minh khi tích hợp hoàn hảo dữ liệu và tự động hóa quy trình.

     Trong bối cảnh hiện nay, đội ngũ QLXD phải tinh thông công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật mới trong xây dựng, nếu không, sẽ trở thành vật cản. Nhà thầu không thể đưa công nghệ mới, giải pháp mới vào công trình, vào dự án, gây ảnh hưởng đến tiến độ, thậm chí là chất lượng

3.2. Nhu cầu của thị trường trong tương lai

     Để thực hiện hóa mục tiêu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thì ngành xây dựng đã và đang trở thành ngành trọng điểm, có nhiệm vụ đi trước, mở đường, xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng (các công trình xây dựng) để phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước.

     Khi nói đến sự phát triển của Việt Nam trong những năm gần đây không thể không đề cập đến sự đóng góp của ngành Xây dựng. Điều này thể hiện qua việc tăng trưởng bình quân của ngành Xây dựng trong những năm gần đây luôn đạt trên 12%. Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, bên cạnh số lượng thì năng lực, tính chuyên nghiệp cũng cần đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới để nâng chất lượng nguồn nhân lực ngành xây dựng. Để phát triển nguồn nhân lực ngành xây dựng cả về số lượng và chất lượng cao, cần phải đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Đồng thời tăng cường giải pháp đào tạo nội dung yêu cầu theo địa chỉ, cơ chế đặt hàng để đội ngũ kỹ sư ra trường có việc làm ngay, không phải đào tạo lại [11].

     Khác với các ngành Kỹ thuật xây dựng đã được đào tạo từ lâu đời, ngành QLXD là một ngành còn rất mới cả trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, ngành học này đáp ứng được nhu cầu thực tế khi cung cấp cho thị trường những kỹ sư được trang bị không những kiến thức Kỹ thuật Xây dựng mà còn những kiến thức về kinh tế, tài chính và quản lý

     Do đó, nhu cầu về nguồn nhân lực ngành xây dựng được dự báo đã và sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới;

3.3. Đề xuất mở ngành đào tạo Quản lý xây dựng bậc đại học tại trường ĐH Lâm nghiệp

3.3.1. Tiền đề mở ngành đào tạo QLXD bậc đại học tại trường ĐHLN

     Trường ĐH LN đã xây dựng Sứ mạng và Tầm nhìn : "... Mở rộng thêm nhiều ngành nghề ngoài lĩnh vực lâm nghiệp để Trường phát huy tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh và tận dụng cơ hội, khắc phục các điểm yếu và giảm thiểu thách thức...", đây chính là tiền đề đa dạng hóa ngành nghề đào tạo của Nhà trường

3.3.2. Cơ sở khoa học và thực tiễn

     Ngành xây dựng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng trên 10% trong giai đoạn đến 2030, và trên thế giới nhân lực của ngành Quản lý xây dựng trở thành một trong những ngành nghề có nhu cầu cao. Quy mô đào tạo của ngành ngày càng tăng dần đáp ứng nhu cầu cao về nhân lực. Các trường đại học đã và đang đào tạo ngành Quản lý xây dựng rộng rãi, điều này chứng tỏ triển vọng ngành đang được phát triển với tầm nhìn xa, dài hạn. Hiện đã có Mã ngành đào tạo ngành Quản lý xây dựng được Ban hành kèm theo Thông tư số 24/2017/TT-BGDĐT ngày 10 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là: 7580302

3.3.3. Điều kiện đội ngũ Giảng viên và Cơ sở vật chất

i) Đội ngũ Giảng viên

    Với hiện trạng đội ngũ giảng viên hiện có tại các Khoa Cơ điện và Công trình, Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Khoa Lý luận chính trị, Các viện gần chuyên môn như Viện Quản lý đất đai, Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh độ thị, Đội ngũ GV cơ hữu Nhà trường với hơn 150 GV có liên quan có thể đảm bảo 100 kế hoạch vận hành chương trình.

ii) Cơ sở vật chất

    Trường ĐH Lâm nghiệp được đánh giá là ngôi trường có cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại trong các trường ĐH, đáp ứng đào tạo trên 30 ngành học và trên 15 ngàn SV theo học. Đối với ngành QLXD, hiện nay, Trường đã trang bị các phòng thực hành, cơ sở vật chất đúng quy định cho các ngành học Kỹ thuật xây dựng, Kinh tế và Quản trị kinh doanh, và các ngành có chuyên môn gần. Đặc biệt đây là các ngành học đã được kiểm định chất lượng giáo dục đảm bảo yêu cầu. Bên cạnh đó, Trường đã tiến hành ký các văn bản thỏa thuận với các doanh nghiệp trong khu vực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sinh viên đến thực tập. Do đó cơ sở vật chất đáp ứng tốt yêu cầu cho việc mở ngành QLXD tại ĐHLN.

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Kết luận

     Trên thế giới nói chung và Việt nam nói riêng, ngành xây dựng luôn giữ vai trò then chốt quyết định đến sự phát triển của mỗi quốc gia. Nhu cầu nhân lực ngành xây dựng nói chung, trong đó có ngành quản lý xây dựng ngày càng gia tăng, đặc biệt khi Việt Nam gia nhập vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao có kỹ năng quản lý xây dựng tăng khi trung bình toàn ngành xây dựng trên thế giới khoảng 10%, ở Việt Nam khoảng 12-13%/năm.

     Ở Việt Nam hiện nay chưa có nhiều trường tuyển sinh đào tạo ngành QLXD trừ các trường có truyền thống trong đào tạo Kỹ sư xây dựng. Hầu hết các trường mở chương trình đào tạo QLXD từ 2018 đến nay. Qua tìm hiểu công tác tuyển sinh 4 trường kỹ thuật phía Bắc cho thấy: Điểm trúng tuyển ngành Quản lý xây dựng bậc đại học của 04 trường được tìm hiểu trong 4 năm gần đây tăng dần từ 2019 đến 2022, trung bình từ 15.08 năm 2019 lên 22.8 năm 2022. Chỉ tiêu tuyển sinh ngành Quản lý xây dựng bậc đại học của 04 trường này tăng trung bình từ 2019 đến 2023 là 23%/năm, đáng chú ý chỉ tiêu tuyển sinh trung bình năm 2022 tăng hơn 40% so với năm 2021 và năm 2023 tăng 27% so với năm 2022.

     Nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 176 phiếu với 03 nhóm đối tượng bao gồm các Doanh nghiệp, chuyên gia, Sinh viên và Cựu Sinh viên với các nội dung về thực trạng hiện tại và nhu cầu tương lai cũng như kiến thức, kỹ năng cần có của đội ngũ nhân lực QLXD. Từ kết quả khảo sát nhu cầu đào tạo cho thấy số lượng nhân lực QLXD làm việc trong lĩnh vực xây dựng còn thiếu so với nhu cầu công việc, số lượng đã và đang được đào tạo bài bản đúng chuyên ngành tại các doanh nghiệp chiếm tỷ lệ thấp (dưới 30%), trong khi nhu cầu tương lai tương đối lớn (có trên 75% số phiếu đánh giá mức có nhu cầu trở lên). Do đó, các nhóm khảo sát đều chung nhận định sự cần thiết đào tạo đội ngũ nhân lực QLXD bậc đại học tại các trường đại học (trên 90%).

     Nghiên cứu cũng đã tiến hành phân tích kết quả khảo sát về nội dung đào tạo, triển vọng mở ngành đạo tạo bậc đại học QLXD tại trường ĐH Lâm nghiệp. Kết hợp với Sứ mạng, Tầm nhìn, các điều kiện có sẵn như đội ngũ Giảng viện cơ hữu, cơ sở vật chất của Nhà trường đủ đáp ứng mở ngành QLXD tại ĐH Lâm nghiệp.

Kiến nghị

     Từ những kết quả nghiên cứu tổng quan và khảo sát cho thấy nhu cầu nhân lực ngành QLXD là tương đối lớn trong tương lai, cùng với lợi thế Trường ĐH Lâm nghiệp với Sứ mạng, tầm nhìn, đội ngũ Giảng viên cơ hữu và cơ sở vật chất đã có sẵn của ngành Kỹ thuật xây dựng, Kinh tế và Quản trị kinh doanh, các ngành liên quan đủ đáp ứng yêu cầu đào tạo chúng tôi kiến nghị nhà trường xem xét cho triển khai mở ngành Quản lý xây dựng bậc đại học tại Trường ĐH Lâm nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]  Luật Giáo dục số: 43/2019/QH14

[2] Nghị định số 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học

[3] Thông tư số: 22 / 2017/TT-BGDĐT Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học

[4] Luật Xây dựng 2014

[5] Thông tư 08/2018/TT-BXD về Hướng dẫn một số nội dung về chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng và quản lý nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam

[6] Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030

[7] Chiến lược phát triển trường Đại học Lâm nghiệp

[8] Báo cáo tự đánh giá của Đại học Lâm nghiệp

[9] https://fastwork.vn/xu-huong-cong-nghe-moi-trong-xay-dung/

[10] https://fili.vn/2019/12/goc-nhin-dau-tu-2020-nganh-xay-dung-582-720448.htm

[11] Các trang WEB Việt Nam

[11.1] https://vietnamconstruction.vn/vi/buc-tranh-toan-nganh-xay-dung-viet-nam-2019-qua-cac-con-va-su-kien/

[11.2] https://baoxaydung.com.vn/nhu-cau-su-dung-nguon-nhan-luc-tu-nay-cho-den-nam-2030-trong-nganh-xay-dung-noi-chung-va-nganh-vlxd-noi-rieng-295351.html

[11.3] https://baoxaydung.com.vn/nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-nganh-xay-dung-viet-nam-340116.html

[11.4] http://nganhxaydung.edu.vn/co-hoi-nghe-nghiep/nhu-cau-nhan-luc-nganh-xay-dung-viet-nam/

[11.5] https://tapchixaydung.vn/phan-dau-den-nam-2025-dat-75-nhan-luc-nganh-xay-dung-da-qua-dao-tao-20201224000015512.html

[11.6] https://kinhtedothi.vn/tang-cuong-dao-tao-nguon-nhan-luc-nganh-xay-dung.html

[11.7] https://fili.vn/2022/07/chu-tich-le-viet-hai-hbc-kien-nghi-7-nhiem-vu-chien-luoc-phat-trien-nganh-xay-dung-4221-979328.htm

[12] https://voh.com.vn/huong-nghiep/nghe-ky-su-quan-ly-xay-dung-nganh-dang-rat-can-nhan-luc-bac-cao-398564.html

[13] Cơ cấu nhân sự Tập đoàn xây dựng Hòa Bình: https://hbcg.vn/page/63-trinh-do-chuyen-mon.html

[14] Cơ cấu nhân sự công ty CP xây dựng và trang trí nội thất Việt Nhật

[15] Số liệu tuyển sinh của một số Trường Đại học có đào tạo ngành QLXD:

[15.1] ĐH Giao thông vận tải: https://tuyensinh.utc.edu.vn/

[15.2] ĐH Thủy lợi https://ts.tlu.edu.vn/Tuy%E1%BB%83n-sinh-%C4%90H

[15.3] Đại học xây dựng: https://tuyensinh.huce.edu.vn/

[15.4] Đại học kiến trúc https://hau.edu.vn/thong-tin-tuyen-sinh-dai-hoc_c08/

[16] Một số trang web quốc tế:

[16.1] https://www.alacrastore.com/cgi-bin/alacraswitchISAPI.dll;

[16.2] https://blog.engineering.vanderbilt.edu/7-engineering-careers-in-construction-management

[16.3] https://www.bls.gov/ooh/management/construction-managers.htm

[16.4]  https://blog.engineering.vanderbilt.edu/7-engineering-careers-in-construction-management

[16.5] https://construction-management.eku.edu/

[16.6] https://nku.edu/academics/cob/programs/undergraduate/constructionmanagem-ent.html

[16.7] https://www.vu.edu.au/courses/bachelor-of-construction-management-honours-nhcm,

[16.8] https://www.newcastle.edu.au/degrees/bachelor-of-construction-management-building-honours,

[16.9] https://study.unisa.edu.au/degrees/bachelor-of-construction-management,

[16.10]  https://www.deakin.edu.au/course/bachelor-construction-management-honours,

 

 

 


Chia sẻ
TIN NỔI BẬT
Đọc tiếp và học nữa để thắp sáng hơn nguồn sáng của mỗi người Đó là mong muốn của GS.TS.NGƯT. Phạm Văn Điển – Hiệu trưởng gửi tới các Tân Tiến sĩ, Tân thạc sĩ tại buổi Lễ trao bằng tốt nghiệp cho các học viên thạc sĩ và Nghiên cứu sinh. Buổi Lễ được tổ chức vào sáng ngày 14/4/2024, tại Hội trường 901, Trường Đại học Lâm nghiệp.