NGÀNH CÔNG NGHỆ SAU THU HOẠCH CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC LÂM NGHIỆP - CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP RỘNG MỞ

31 tháng 3, 2018

        Việt Nam có nhiều lợi thế cho phát triển nông nghiệp, là một trong những nước dẫn đầu về xuất khẩu một số loại nông sản. Giá trị xuất khẩu nông sản đang tăng mạnh trong những năm gần đây. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tính đến hết năm 2017, giá trị xuất khẩu nông sản (như rau quả, gạo…) của Việt Nam đạt khoảng 7,0 tỷ USD, tăng khoảng 30% so với năm 2016.

        Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu trên còn rất khiêm tốn so với tiềm năng phát triển nông nghiệp của Việt Nam. Chất lượng hàng nông sản của Việt Nam chưa cao, các sản phẩm chế biến tinh vẫn chưa được khai thác hiệu quả, chưa đảm bảo được vấn về an toàn thực phẩm, thành phần dinh dưỡng và hình thức sản phẩm nên chưa đáp ứng được sự đòi hỏi khắt khe của các thị trường lớn, khó tính như Mỹ và Châu Âu mà mới chỉ tập trung vào 4 thị trường là Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc trong đó chủ yếu xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc với tỷ trọng chiếm trên 70% do đó giá trị xuất khẩu thấp.

        Tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản ở Việt Nam vẫn ở mức cao, khoảng 14% đối với lúa gạo và 25 - 30% rau củ quả. Lượng tổn thất sau thu hoạch này cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển (chỉ khoảng 5 – 10%) do khâu thu hoạch, phân loại, sơ chế, đóng gói và bảo quản ở Việt Nam chưa áp dụng được các công nghệ phù hợp để hạn chế tổn thất dẫn đến giảm hiệu quả sản xuất ngành nông nghiệp.

        Ngoài ra ứng dụng công nghệ sau thu hoạch yếu nên dẫn đến tình trạng khi dư thừa nông sản người dân không thể chuyển sang chế biến, bảo quản. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều loại nông sản "được mùa - mất giá". Cụm từ "Giải cứu nông sản" có lẽ không còn mới đối với mỗi người dân Việt Nam. Cụm từ này là điệp khúc lặp đi lặp lại những năm gần đây. Có tận mắt chứng kiến những cánh đồng bắp cải, cà chua, dưa hấu bị bỏ mặc ngoài đồng không ai thu hoạch mới thấy xót xa. Tiền bán nông sản không bằng tiền thu hoạch nông sản.

        Như vậy có thể nói, công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch của nước ta lâu nay vẫn chưa theo kịp trình độ và năng lực sản xuất của nông dân và các nước trong khu vực. Một vài năm trở lại đây, ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư lớn vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp để trồng, chế biến và xuất khẩu nông sản – thực phẩm, các hợp tác xã nông nghiệp được thành lập, hình thành lên các vùng chuyên canh, những cánh đồng mẫu lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng công nghệ sau thu hoạch vào sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam. Theo xu thế này, ngành công nghệ sau thu hoạch ở nước ta sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Để nông sản, thực phẩm phẩm Việt Nam đáp ứng được nhu cầu về chất lượng và an toàn của người tiêu dùng trong và ngoài nước, chúng ta thực sự rất cần những kỹ sư có trình độ chuyên môn tốt và tay nghề vững vàng trong lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch. Đây chính là cơ hội để các kỹ sư công nghệ sau thu hoạch khẳng định mình cũng như có những đóng góp thiết thực cho phát triển bền vững ngành nông nghiệp của Việt Nam.

        Ngoài ra, phạm vi ứng dụng của công nghệ sau thu hoạch cũng rất đa dạng, để có thể quản lý nông sản thực phẩm theo chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn, sinh viên ngành này được trang bị đầy đủ các kiến thức và kỹ năng từ khâu thu hoạch, sơ chế, bảo quản nông sản đến việc chế biến các sản phẩm thực phẩm đa dạng. Do đó, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể lựa chọn các vị trí việc làm khác nhau như cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học và đào tạo có liên quan đến bảo quản, chế biến thực phẩm, các đơn vị sản xuất kinh doanh, chế biến, bảo quản nông sản, thực phẩm hoặc tự khởi nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm. Đây là một lợi thế nữa để sinh viên có thể tìm được công việc phù hợp sau khi tốt nghiệp không những chỉ ở Việt Nam mà cả ở các thị trường lao động nước ngoài khi nhu cầu hội nhập và toàn cầu hóa nguồn nhân lực đang phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, lựa chọn học ngành công nghệ sau thu hoạch là bạn đã lựa chọn một sự đón đầu cho tương lai để phát triển.

Bộ môn Công nghệ máy chuyên dùng, Trường Đại học Lâm nghiệp


Chia sẻ

TIN NỔI BẬT