Khoa Cơ điện và Công trình thăm và làm việc tại Trung tâm thực nghiệm rừng nhiệt đới (ECTF) – Trung Quốc về lĩnh vực công nghiệp rừng

26 tháng 6, 2015
Đoàn cán bộ của Khoa Cơ điện và Công trình gồm TS. Nguyễn Văn Quân (trưởng đoàn), PGS. TS. Lê Văn Thái, TS. Trần Văn Tưởng và TS. Đăng Văn Thanh đã đến thăm và làm việc tại

 

Đoàn cán bộ của Khoa Cơ điện và Công trình gồm TS. Nguyễn Văn Quân (trưởng đoàn), PGS. TS. Lê Văn Thái, TS. Trần Văn Tưởng và TS. Đăng Văn Thanh đã đến thăm và làm việc tại Trung tâm thực nghiệm rừng nhiệt đới (ECTF), Bằng Tường – Trung Quốc từ ngày 10/4-12/4/2014.

 

 Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm rừng nhiệt đới ECTF

 

Nội dung làm việc gồm: Giới thiệu và trao đổi chuyên môn với các chuyên gia Đức và Trung Quốc tại trung tâm ECTF – Bằng Tường – Trung Quốc; thăm quan hệ thống đường cáp vận xuất gỗ trên địa hình dốc ngoài thực địa thuộc dự án Lin2Value giữa Đức và Trung Quốc; thăm quan hệ thống vườn ươm của trung tâm.

 

 Chuyên gia Đức giới thiệu về dự án Lin2Value

 

 Đoàn Trường ĐH Lâm nghiệp giới thiệu về Trường

 

Thông qua trao đổi và tìm hiểu, hai bên nhận thấy rằng với tương đồng về mặt địa lý tự nhiên, đối tượng rừng mà VFU và ECTF quan tâm nghiên cứu tương đối giống nhau nên việc tìm kiếm cơ hội để cùng nhau hợp tác, trao đổi kinh nghiệm cũng như kết quả nghiên cứu là rất có ý nghĩa để cùng nhau phát triển lĩnh vực chuyên môn của cả hai bên cũng như góp phần phát triển ngành lâm nghiệp của cả hai nước. Đặc biệt với xu thế hạn chế khai thác gỗ lớn rừng tự nhiên ở tất cả các nước, việc phát triển rừng trồng với mục đích cung cấp nguồn gỗ lớn thay thế cho gỗ rừng tự nhiên dùng trong chế biến là xu thế tất yếu mà ngành lâm nghiệp của Việt Nam sẽ phải trải qua trong thời gian tới. Đây là vấn đề mà Trung Quốc đã đi trước Việt Nam một bước và họ có kinh nghiệm trong việc chuyển đổi rừng trồng thuần loài gỗ nhỏ và khai thác trắng theo đám sang rừng trồng gỗ lớn khai thác chọn với diện tích lớn.  

 

Về thăm quan mô hình đường cáp, đây là mục đích chính của chuyến thăm quan. Mô hình đường cáp vận xuất gỗ trên đất dốc là một trong chín nội dung chính của dự án Lin2Value giữa các đối tác CHLB Đức (gồm ĐH Tổng hợp Freiburg, ĐH Tổng hợp Goettingen và ĐH Kỹ thuật Dresden) và Viện hàn Lâm Lâm nghiệp Trung Quốc. Với mục đích bảo vệ môi trường để chống biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay, các sản phẩm gỗ sau khi chế biến và muốn xuất khẩu sang các thị trường phát triển như EU, USA, Nhật Bản…, sản phẩm đó yêu cầu phải được cấp chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm (CoC) và phải được khai thác từ rừng đã được cấp chứng chỉ. Để một khu rừng được cấp chứng chỉ, việc khai thác gỗ tác động thấp là một trong những yêu cầu bắt buộc phải được thực hiện trong quá trình đánh giá cấp chứng chỉ rừng. Hiện nay, đường cáp được xem như là một công nghệ vận xuất gỗ giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường, sinh thái cũng như sức khỏe người lao động trong quá trình khai thác và là hình thức vận xuất gỗ được áp dụng rộng rãi nhất ở các nước phát triển. Dự án trên đã thành công trong việc lựa chọn và xây dựng mô hình đường cáp dùng để vận xuất gỗ rừng trồng khai thác chọn ở Trung Quốc.

 

 Các chuyên gia Đức và đoàn Việt Nam đang trao đổi chuyên môn về công nghệ đường cáp ngoài thực địa

 

Đây là hệ thống đường cáp (hình 4) phù hợp với khai thác chọn và quy mô khai thác nhỏ, có thể dùng cho các loại địa hình với cự ly vận xuất tối đa là 400 m. Hiện nay hệ thống đường cáp này đang được hoàn thiện và chuyển giao cho phía Trung Quốc và cũng đã có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đến thăm quan và muốn áp dụng công nghệ này trong khai thác gỗ ở Trung Quốc. Với xu thế chuyển đổi rừng trồng trong tương lai ở Việt Nam, mô hình đường cáp trên nên được cân nhắc khi lựa chọn công nghệ vận xuất gỗ ở Việt Nam.

 

Không những chỉ tập trung nghiên cứu riêng máy móc thiết bị, đào tạo con người cho hệ thống đường cáp, dự án còn giải quyết những vấn đề chưa phù hợp về mặt kỹ thuật trong quá trình chặt hạ bằng cưa xăng để nâng cao năng suất vận xuất và đảm bảo an toàn lao động trong quá trình vận xuất.

 

Để tìm hiểu về vấn đề cơ giới hóa vườn ươm, đoàn cũng đã đi thăm quan hệ thống vườn ươm của Trung tâm. Đây là nơi để ươm và thử nghiệm các loại giống cây phục vụ cho nghiên cứu của trung tâm. Với quy mô vừa phải, hệ thống vườn ươm được trang bị mái che cũng như hệ thống tưới tự động, đơn giản nhưng đáp ứng được yêu cầu thay đổi nhiệt độ, độ ẩm và độ mở sáng một cách dễ dàng.

 

  Vườn ươm tại trung tâm ECTF

 

Ngoài ra vườn ươm còn được trang bị hệ thống thiết bị đóng bầu con nhỏ gọn, bán tự động nhưng cho năng suất cao với vật liệu vỏ bầu tự phân hủy sau một thời gian và ruột bầu chủ yếu được làm từ mùn cưa và vỏ cây đã qua xử lý. Hệ thống này rất phù hợp cho các loại vườn ươm quy mô vừa và nhỏ muốn áp dụng cơ giới hóa để nâng cao năng suất. Tuy nhiên bài toán kinh tế cần phải được tính toán để xem xét khả năng áp dụng trong từng trường hợp cụ thể, đặc biệt ở Việt Nam hiện nay khi mà chi phí lao động thủ công còn thấp, vấn đề bảo vệ sức khỏe và an toàn cho người lao động chưa được đề cao.

 

Chuyến thăm quan tới Trung tâm ECTF của Đoàn góp phần mở rộng và tăng cường mối quan hệ và hướng tới sự hợp tác sau này giữa Trường ĐH Lâm nghiệp với Trường ĐH Tổng hợp Freiburg cũng như với Trung tâm ECTF. Mô hình dự án Lin2Value là kinh nghiệm thực tế với hy vọng sẽ khai thông được một dự án hợp tác song phương phù hợp giữa Trường ĐH Lâm nghiệp và Trường ĐH Tổng hợp Freiburg trong thời gian tới. Cách làm hiện nay và xu thế phát triển ngành lâm nghiệp của Trung Quốc cũng mang lại một số kinh nghiệm quý cho các thành viên trong Đoàn.


Chia sẻ

TIN TỨC NỔI BẬT